Lịch khởi hành
chuyên tour Nga
CHUYÊN TOUR  ĐẢO
CHUYÊN TOUR ĐẢO
CHUYÊN TOUR ĐẢO
CHUYÊN CUNG CẤP VOUCHER DU THUYỀN ĐẲNG CẤP 5*
CHUYÊN CUNG CẤP VOUCHER DU THUYỀN ĐẲNG CẤP 5*
CHUYÊN CUNG CẤP VOUCHER DU THUYỀN ĐẲNG CẤP 5*
Thứ 7, Ngày 08 tháng 09 năm 2018, 10:07

MỘT THOÁNG NƯỚC NGA

Với nhiều người Việt Nam, tâm hồn của châu Âu chính là nước Nga, một nước Nga xa xôi nhưng vô cùng gần gũi và thân thương. Thân thương bởi nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai của biết bao thế hệ người Việt Nam đã từng sinh sống và học tập. Đặc biệt với những người chưa từng đến nước Nga, chỉ biết nước Nga qua những vần thơ của Puskin, những giai điệu âm nhạc nhẹ nhàng của Tsaikovsky, mùa thu vàng của danh họa Levitan…thì đều ao ước có một lần được đặt chân đến nước Nga, “đất nước của Putin” ngày nay.
Nga, quốc danh hiện tại là Liên bang Nga là một quốc gia ở phía bắc lục địa Á - Âu (châu Âu và châu Á). Nga là một nhà nước cộng hoà bán tổng thống, gồm 83 thực thể liên bang. Nước Nga giáp biên giới với những quốc gia sau (từ tây bắc đến đông nam): Na Uy, Phần Lan, Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan (cả hai đều qua Kaliningrad Oblast), Belarus, Ukraina, Gruzia, Azerbaijan, Kazakhstan, Trung Quốc, Mông Cổ, và Bắc Triều Tiên. Nước này cũng có biên giới biển với Nhật Bản (qua Biển Okhotsk) và Hoa Kỳ (qua Eo biển Bering). Với diện tích 17,075,400 km², Nga là nước có diện tích lớn nhất thế giới, bao phủ hơn một phần chín diện tích lục địa Trái Đất. Nga cũng là nước đông dân thứ chín thế giới với 142 triệu người Nước này kéo dài toàn bộ phần phía bắc châu Á và 40% châu Âu, bao gồm 11 múi giờ và sở hữu nhiều loại môi trường và địa hình. Nga có trữ lượng khoáng sản và năng lượng lớn nhất thế giới, và được coi là một siêu cường năng lượng. Nước này có trữ lượng rừng lớn nhất thế giới và các hồ của Nga chứa xấp xỉ một phần tư lượng nước ngọt không đóng băng của thế giới.
Nga đã thiết lập quyền lực và ảnh hưởng khắp thế giới từ thời Đế chế Nga và trở thành nhà nước hợp thành lớn nhất và lãnh đạo bên trong Liên bang Xô viết, nhà nước xã hội chủ nghĩa hợp hiến đầu tiên và được công nhận là một siêu cường, đóng vai trò quan trọng trong thắng lợi của Đồng Minh trong Thế chiến II. Liên bang Nga được thành lập sau sự giải tán Liên xô năm 1991, nhưng nó được công nhận là sự kế tiếp pháp lý của nhà nước Xô viết. Nga có nền kinh tế đứng thứ tám hoặc thứ chín theo GDP danh nghĩa hay đứng thứ sáu theo sức mua tương đương, với ngân sách quân sự danh nghĩa lớn thứ tám hay thứ ba theo PPP. Đây là một trong năm nhà nước sở hữu vũ khí hạt nhân được công nhận và sở hữu kho vũ khí huỷ diệt hàng loạt lớn nhất thế giới.Nga là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, một thành viên của G8, G20, APEC, SCO và EurAsEC, và là một thành viên lãnh đạo của Cộng đồng các quốc gia độc lập. Nhà nước Nga có một truyền thống lâu dài và giàu có về nhiều lĩnh vực nghệ thuật và khoa học, cũng như một truyền thống mạnh về công nghệ, gồm cả những thành tựu quan trọng như tàu vũ trụ đầu tiên của loài người. Ngôn ngữ chính thức Tiếng Nga, 27 ngôn ngữ khác đồng chính thức theo từng vùng trong các nước cộng hòa hợp thành.
 
MỘT SỐ ĐIỂM DU LỊCH NỔI TIẾNG:
1. Moscow – Thủ Đô của những thăng trầm:
Moscow là thủ đô của nước Nga và là trung tâm chính trị, kinh tế, tài chính, giáo dục và giao thông vận tải chủ yếu của đất nước. Biểu tượng của thành phố là hình tượng một kỵ sĩ cầm giáo, cưỡi bạch mã đang hạ gục một con rồng. Sau lần chinh chiến đến Moscow vào năm 1147, bảy năm sau, hoàng tử Yuriy Dolgorukiy đã ra lệnh xây dựng một bức tường gỗ lớn xung quanh thành phố. Sau cuộc nổi dậy năm 1237-1238, các thủ lĩnh Mông Cổ đã thiêu rụi thành phố, tàn sát những người dân bản địa và biến nơi này thành thủ đô của một Công quốc Độc lập.
Dưới triều đại Ivan I, ông đã chuyển thủ đô tới Tver và biến Moscow thành nước chư hầu, hàng năm những người Mông Cổ đều mang lễ vật để cống nạp tới Tver. Trong năm 1380, hoàng tử Dmitry Donskoy của Moscow đã lãnh đạo một đạo quân tấn công các thủ lĩnh và dành được chiến thắng trong trận Kulikovo. Sau 2 năm chiến đấu, Moscow đã hoàn toàn bị phá hủy. Trong năm 1480, Ivan III cuối cùng đã đập tan chính quyền Mông Cổ, Moscow lại trở thành trung tâm quyền lực ở Nga. Thành phố này không còn là thủ đô của Nga sau năm 1712, sau quyết định thành lập St. Peterburg của Peter Đại đế trên bờ biển Baltic năm 1703.
Vào tháng Giêng năm 1905, bộ máy chính quyền thành phố đã chính thức được giới thiệu tại Moscow, và Alexander Adrianov đã trở thành thị trưởng chính thức đầu tiên của Moscow. Sau thành công của cuộc Cách mạng Nga năm 1917, ngày 12 tháng Ba năm 1918, Moscow đã trở thành thủ đô của Liên bang Xô viết, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Nga và Liên Xô.
Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Ủy ban Nhà nước Quốc phòng Liên Xô, Bộ Tổng tham mưu của Hồng quân được đặt tại Moscow. Nhiều nhà máy đã được sơ tán cùng chính phủ, và từ 20 tháng 10 thành phố đã bị bao vây. Mặc dù đang trong giai đoạn chiến tranh, thành phố vẫn có thể tự xây dựng cho mình mạng lưới tàu điện ngầm khổng lồ bên trong long đất. Trải qua bao biến cố, ngày 08 tháng 5 năm 1965 để kỷ niệm 20 năm chiến thắng trong Thế chiến II, Moscow là một trong 12 thành phố của Liên Xô được trao tặng danh hiệu thành phố Anh hung. Trong năm 1980, Thế vận hội Olympic mùa hè cũng được tổ chức tại đây. Năm 1991, Moscow lại chứng kiến một âm mưu đảo chính của các thành viên Chính phủ bất mãn với những cải cách của Mikhail Gorbachev. Moscow tiếp tục là thủ đô của Nga. Kể từ đó, chúng ta đã chứng kiến sự xuất hiện của một nền kinh tế thị trường ở Moscow, tạo ra một sự bùng nổ của phong cách bán lẻ, dịch vụ, kiến trúc và lối sống phương Tây.
Quảng trường Đỏ - Nơi ghi dấu của lòng kiêu hãnh
Đối với nhiều du khách, Quảng trường Đỏ không thể phai mờ với hình ảnh các nhà lãnh đạo Liên Xô trong bộ quân phục với phong thái kiên cường đứng trong cái lạnh thấu xương cùng phía trước là đoàn quân diễu hành kiêu hãnh bước qua lăng Lenin.Mặc dù quảng trường không còn được chứng kiến các cuộc diễu hành hoành tráng nhưng nó vẫn còn là một không gian ấn tượng sâu sắc. Được bao bọc bởi Lăng mộ sừng sững, mặt tiền rộng của các cửa hàng bách hóa GUM nổi tiếng thế giới và màu sắc phong phú của nhà thờ St Basil, Quảng trường Đỏ xứng đáng là điểm dừng chân đầu tiên cho bất kỳ du khách tới Moscow.
2. Điện Kremlin: 
Điện Kremlin có một lịch sử phát triển thăng trầm. Kremlin với địa thế nhìn ra song Moska, nhà thờ thánh Basil, quảng trường Đỏ, khu vườn Alexander và được mệnh danh là trái tim của Moscow. Điện Kremlin bao gồm 4 cung điện, 4 nhà thờ, kèm theo các bức tường và tháp Kremlin.
Các bức tường và tháp Kremlin ngày nay được xây dựng bao quanh khu đất hình tam giác có diện tích 275.000 mét vuông (68 mẫu Anh) do các nghệ nhân Italy thực hiện trong những năm 1485-1495. Chiều dài tổng thể của nó là 2235 mét, chiều cao từ 5 đến 19 mét tùy thuộc vào địa hình. Theo thiết kế nguyên gốc, có tất cả 18 tháp Kremlin nhưng người ta đã xây thêm lên con số 20 vào thế kỷ 17, tòa nhà cao nhất là Spasskaya, được xây dựng với chiều cao hiện tại lên đến 71 mét vào năm 1625.
Nhà thờ quảng trường được xây nên như không gian công cộng lớn đầu tiên của thành phố cho tới khi sự thăng hoa đế chế Muscovite trong những năm đầu thế kỷ 14. Nhà thờ quảng trường là trung tâm biểu tượng của chế độ Sa hoàng trong nhiều thế kỷ. Nó được bao quanh bởi 6 tòa nhà, bao gồm 3 nhà thờ trong đó có nhà thờ Assumption được hoàn thành vào năm 1479. Assumption là nhà thờ chính của Moscow và nơi tất cả các Sa hoàng đã được trao vương miện. Phía Đông Nam của quảng trường là nhà thờ lớn của Tổng giám mục Michael (Arkhagelsky) (1508) nơi tất cả các quốc vương Muscotive từ Ivan Kalita tới Ivan V được chon cất.
Các cấu trúc đáng chú ý khác là Tháp chuông Ivan đại đế ở góc Đông Bắc của quảng trường. Đây là nơi đánh dấu các trung tâm chính xác của Moscow và giống như một ngón nến đang rực cháy được hoàn thành vào năm 1600. Cho tới tận cuộc cách mạng Nga, đó là cấu trúc cao nhất thành phố, việc xây dựng các tòa nhà cao hơn hoàn toàn bị cấm, 21 tiếng chuông vang tại đây sẽ báo động cho toàn thành phố trước mỗi cuộc xâm lăng của kẻ thù.
Phần tây bắc của Kremlin là tòa nhà bảo tang Kremlin. Mặc dù đã mất mát những hạng mục quan trọng của các bộ sưu tập trong thời gian đầu thế kỷ XIX nhưng các kho chứa trong bảo tang vẫn cất giữ những báu vật quốc gia vô giá. Từ chiếc chén của Yuri Dolgoruky (người sang lập chính thức của Moscow) đến bộ sưu tập kỳ diệu là những quả trứng Feberge. Du khách sẽ không thể thôi trầm trồ than phục những giá trị lịch sử lâu đời và phong phú của đất nước Nga khi đặt chân tới bảo tàng Kremlin. Bảo tàng cũng trưng bày nhiều loại vũ khí tinh xảo của Nga và hiện tại đang là trụ sở của quỹ kim cương liên bang.
                                            
3. Nhà thờ Chúa Cứu Thế - Lễ vật lớn của đức tin:
Nhà thờ Chúa Cứu Thế là nhà thờ chính thống giáo cao nhất ở phía Đông của thế giới. Khi những người lính cuối cùng của Napoleon rời Moscow vào ngày 25 tháng 12 năm 1812, Nga hoàng Alexander I đã ký một bản tuyên ngôn, tuyên bố ý định của mình để xây dựng một nhà thờ tôn vinh đức Kito cứu thế. Khi Alexander I ở trên đỉnh cao của quyền lực, ông đã giao phó cho kiến trúc sư của mình là Konstantin Thon để tạo ra một thiết kế mang tính lịch sử. Nhà thờ được xây dựng liên tục trong nhiều năm trời và thành hình từ khi các giàn giáo được gỡ bỏ vào năm 1860. Các họa sĩ giỏi nhất tại Nga được mời đến để tạo nên các bức bích họa hoành tráng và hoàn tất việc trang trí nội thất trong nhà thờ chiếm suốt khoảng thời gian 20 năm sau đó. Cuối cùng nhà thờ chính thức được hoàn thành khi Alexander III đăng quang vào ngày 26 tháng 5 năm 1883.
Sau cách mạng, cụ thể hơn là khi Lenin qua đời, một phần không gian của nhà thờ được lựa chọn là nơi tưởng niệm ông, một tượng đài cho chủ nghĩa xã hội được gọi là cung điện của Liên Xô. Ngày nay, tại khu di tích này du khách có thể chiêm ngưỡng được bức tượng khổng lồ của Lenin đang ngồi và giơ cánh tay như ban phước lành. Ngày 05 tháng 12 năm 1931, theo lệnh của Kaganovich, một phần của nhà thờ đã bị đánh bom và hủy hoại. Việc khôi phục lại nhà thờ của những người Liên Xô vấp phải vô vàn khó khăn do lũ lụt ở sông Moskva và chiến tranh liên miên.
Với sự kết thúc của chế độ Xô Viết, Giáo hội Chính Thống Nga đã nhận được giấy phép để xây dựng lại nhà thờ Đức Kito Cứu Thế trong tháng 2 năm 1990. Các nhà thờ thấp hơn đã được thánh hiến vào năm 1996, và nhà thờ Đức Kito Cứu Thế đã được thánh hiến ngày 19 tháng 8 năm 2000.
4. Nhà thờ thánh Basil:
Nhà thờ thánh Basil trong khuôn viên Quảng Trường Đỏ là công trình kiến trúc tuyệt vời với sự kết hợp giữa màu sắc và dáng vẻ vô cùng phong phú. Mỗi mái vòm, mái vịm, các tòa tháp mang một hình thù và màu sắc độc đáo đã cuốn hút cái nhìn của khách thăm kể từ khi xây dựng của nó trong thập niên 1550.
Nhà thờ thánh Basil được xây dựng để tưởng nhớ sự kiện Ivan Bạo chúa giành lại quyền kiểm soát cùng Kazan từ tay người Mông Cổ. Cái tên đầu tiên được biết đến của khối kiến trúc này là “Nhà thờ Cầu Bầu”, tên gọi phổ biến ngày nay được người ta dựa theo tên một nhà tiên tri rách rưới đã dư đoán về sự kiện “Ngọn lửa Moscow” năm 1547. Không còn gì tuyệt vời hơn khi thư thái tản bộ một vòng quanh nhà thờ và cảm nhận trọn vẹn sự hấp dẫn cũng như nét độc đáo kỳ diệu nó mang lại. Nhà thờ thánh Basil cũng được xem là một trong những biểu tượng tiêu biểu nhất của Moscow ngày nay.
Gum – Trung tâm thương mại sang trọng bậc nhất thế giới.
Các bách hóa mậu dịch (hay còn gọi là GUM) là hình ảnh quen thuộc ở Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa, một trong số đó chính là Gum nổi tiếng nhất nằm đối diện Quảng Trường Đỏ. Với mặt tiền mở rộng cho 242 mét dọc theo phía đông của Quảng Trường Đỏ, các cửa hàng được xây dựng để thay thế gian hàng giao dịch đã bị thiêu rụi trước đó năm 1825. Kính mái nhà được thiết kế làm cho cấu trúc tổng thể của tòa nhà trở nên độc đáo.
Vào thời điểm cuộc cách mạng Nga năm 1917, tòa nhà chứa 1200 cửa hàng. Mỗi tòa nhà gồm 3 tầng, liên kết bởi lối đi của bê tong cốt thép. Kết thúc thời kỳ Xô Viết, Gum được chuyển giao cho các doanh nghiệp nhà nước và hiện đang thuộc sở hữu của các doanh nghiệp tư nhân. Trong tháng 5 năm 2005, 50.25% cổ phần tại đây đã được bán cho hãng thời trang xa xỉ với chuỗi cửa hàng nổi tiếng tại Nga: Bosco Di Ciliegi.  Hiện nay nơi này là trung tâm thương mại với rất nhiều hãng đồ hiệu trên khắp thế giới.
5. Phố cổ Arbat – Con đường của sự xa hoa:
Phố cổ Arbat là một con đường dành cho người đi bộ đẹp như tranh vẽ của Moscow. Nó là một trong những đường phố đông khách du lịch nhất của Moscow, với rất nhiều điểm giải trí và quà lưu niệm. Năm 1493, phố Arbat lần đầu tiên được đưa vào sử dụng như là một con đường dẫn từ Kremlin đến Smolensk. Con phố được biết đến với cái tên nguyên thủy là Tatar có nghĩa là ngoại ô, trong suốt thế kỷ 16 và 17. Xung quanh con phố mọc lên rất nhiều ngôi nhà phỏng theo phong cách nhà thờ mang lại một không gian độc đáo.
Trong thế kỷ 18, các quý tộc Nga đã chuyển tới quanh khu vực này sinh sống tạo nên trào lưu, từ đó con phố này trở thành nơi tụ tập của giới thượng lưu và là khu vực sinh hoạt có uy tín nhất ở Moscow. Vào năm 1812, các đường phố gần như đã bị phá hủy hoàn toàn bởi ngọn lửa vĩ đại khi Napoleon đánh chiếm Moscow và đã được xây dựng lại. Alexander Pushkin cũng đã từng sinh sống trong một ngôi biệt thự của mình tại đây trong một thời gian ngắn, trước cửa ngôi biệt thự ngày nay có một bức tượng của ông và vợ ông là Natalie. Vào năm 1986, khu phố được trang hoàng bởi những chiếc đèn lồng cỡ lớn và vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Con đường cũng tạo nên những ấn tượng bởi những bức tượng dọc hai bên đường, tiêu biểu là tượng công chúa Turandot ở phía trước của nhà hát Vakhtagov và bức tượng Bulat Shalvovich Okudzhava, người đã viết một số bài hát xuất sắc về Arbat. Trong suốt thời kỳ cải cách mở cửa, nơi này xuất hiện thêm các trào lưu của giới trẻ (nơi tụ họp của các thanh niên yêu thích hiphop, punk, v.v…) và cũng là sân khấu biểu diễn của các nghệ sĩ đường phố.
6. Moscow Metro:
Moscow Metro có mạng lưới giao thông gần như bao phủ toàn bộ thủ đô nước Nga, là một trong những hệ thống tàu điện ngầm được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên không chỉ nổi tiếng với quy mô, các ga tàu cũng được trạm khắc và trang trí công phu và là biểu tượng tiêu biểu nhất của nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tổng cộng chiều dài ray tàu điện ngầm Moscow lên tới 278.8km, gồm 12 ray chính với 172 ga tàu. Mỗi ngày con số những người sử dụng hệ thống này ước tính lên tới 8.2 triệu lượt vào ngày thường và 7.1 triệu lượt vào các dịp cuối tuần. Hầu hết các đường ray chạy xuyên tâm qua thành phố, ngoại trừ ray Koltsevaya (Ring Line). Đó là một đường ray vành đai dài 20km, kết nối tất cả các đường ray xuyên tâm và một vài đường nhỏ hơn bên ngoài. Hệ thống này còn độc đáo ở chỗ, người dùng có thể phân biệt hướng đi bởi giới tính của người thông báo. Trên mỗi chuyến tàu, người nam sẽ thông báo khi tàu di chuyển tới trung tâm Moscow và giọng nữ sẽ ngược lại. Moscow Metro mở cửa từ khoảng 5:30 đến 1:00. Trong giờ cao điểm, các chuyến cách nhau chỉ khoảng 90 giây, tại các thời điểm trong ngày, các chuyến các nhau khoảng 2 đến 3 phút rưỡi, và từ 6 đến 10 phút lúc đêm khuya. Với tần suất cao như vậy, Moscow Metro thậm chí không cần trang bị bảng biểu thời gian cho những chuyến tàu. Moscow Metro đã trở thành hệ thống tàu điện ngầm đầu tiên ở châu Âu sử dụng thẻ thông minh từ 01 tháng 09 năm 1998.
Có một truyền thuyết thú vị về nguồn gốc của các đường ray vòng quanh thành phố. Một nhóm các kỹ sư tiếp cận với Stalin để lên kế hoạch cho Metro và thông báo về tiến độ những gì đã thực hiện tại thời điểm đó, Stalin đã rót cho mình một ly cà phê và nói chuyện. Sau đó, ông đã hỏi các kỹ sư về các thiếu sót của mạng lưới này, ông lặng lặng đặt cốc cà phê vào tâm bản đồ và đi ra ngoài. Những giọt nước đọng ở đáy cốc cà phê tạo thành một đường tròn hằn lên bản đồ. Các nhà hoạch định nhìn vào nó và nhận ra đó chính xác là những gì họ đang thiếu sót, và để tôn vinh ý tưởng thiên tài của Stalin, tất cả các đường ray vành đai đều được in màu nâu.
7. Bảo tàng Bức Tranh Tròn:
Tác phẩm Bức tranh toàn cảnh Borodino của Frans Alekseevich Rubo là hình tượng tiêu biểu cho hội họa lịch sử-chiến tranh hoành tráng đầu thế kỉ XX, với sự kế thừa những nét xuát sắc nhát của hội họa chiến tranh thế kỉ XIX. Bảo tàng được khởi công xây dựng từ năm 1912 theo thiết kế của họa sĩ – giáo sư Rubo. Đầu tiên dự án được đưa ra rất hoành tráng, nhằm kỉ niệm 100 năm trận đánh lịch sử, theo đó Bảo tàng tranh sẽ được dựng lên gần nhà thờ chúa cứu thế trong một quần thể thống nhất bao gồm nhà thờ, Bức tranh toàn cảnh, Tượng đài Kutuzov, hai đài tưởng niệm dựng lên từ nòng đại bác những năm 1812-1814. Theo chỉ thị của Nga hoàng Nhikolai đệ nhị, công trình phải được lột tả được trận đánh từ thời điểm giữa trưa, lúc những đợt tấn công ào ạt của kị bình quân Napoleon bắt đầu. Những diễn biến đó xảy ra ở vùng nông thôn làng Semyonovskoe. Tuy nhiên do thiếu thốn kinh phí và thời gian có hạn, ý tưởng về quần thể tưởng niệm hoành tráng đã không thực hiện được. Thay vào đó công trình đã được quyết định xây lên thành nhà gỗ trên mảnh đất thuộc vùng Hồ sạch. Công trình khởi công ngày 8 tháng 3 năm 1912 và đến cuối năm đã hoàn tất, và cũng thời điểm này bức tranh dài 115m rộng 15m được cuộn tròn quanh trục cùng với các chi tiết kĩ thuật khác đã được đưa về đây, và đã được Rubo cùng trợ lí của mình treo lên. Sau cách mạng tháng 10, bảo tang đã bị trưng dụng cho các mục đích sử dụng khác của chính quyền. Tòa nhà và toàn bộ tranh và tài sản của giáo sư Rubo được chuyển giao lại cho trường kỹ thuật điện, ở đây đã nhiều lần tổ chức lễ cây thông đón năm mới của giai cấp vô sản, và chỉ sang đến năm 1918 ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Bức tranh đã được tháo dỡ và cuộn vào trục gỗ, trong gần 40 năm sau được lưu trư như vậy ở những chỗ hoàn toàn không đáp ứng điều kiện cho việc gìn giữ - trong tầm hầm cung điện Mius, trong kho nhà hát của vườn Ermitazh. Năm 1939 Ủy ban đặc biệt do viện sĩ Grabar đứng đầu đã kết luận là bức tranh không thể phục chế được.
Tuy nhiên đến năm 1946 việc phục chế tranh đã được quan tâm hơn và nghiên cứu kĩ càng hơn, kết quả là đến năm 1948 quyết định phục chế bức tranh đã chính thức được ban hành. Bức tranh đã được tái sinh dưới bàn tay của nhóm nghệ sĩ phục chế tranh do Korin và Kudryavsev. Năm 1961 tòa nhà mới cho bức tranh được khởi công xây dựng ở đại lộ Kutuzov, dưới chân đồi Poklonnaya. Vị trí xây dựng bảo tang được lựa chọn có chủ ý rõ ràng: ngày 2 tháng 9 năm 1812 ở đây tại làng Fili, trong ngôi nhà gỗ của nông dần Frolov đã diễn ra cuộc họp mặt lịch sử của Hội đồng quân sự do Thống soái Kutuzov làm chủ trì, và nơi đây số phận của thủ đô trong chiến tranh đã được quyết định, theo đó chiến trận sẽ không diễn ra ở Matxcova. 18 tháng 10 năm 1962 bảo tang Trận đánh Borodino đã chính thức được mở cửa.
8. Saint Peterburg - “Thủ đô Phương Bắc” trong lòng Người Nga: 
Ngày 16 tháng 5 năm 1703, SAINT PETERBURG được thành lập bởi Sa hoàng Peter Đại đế, từ đó thành phố trờ thành thủ đô của Đế chế Nga Hoàng trong hơn hai trăm năm và được ví như “cửa sổ nhìn sang châu Âu” của đất nước Nga xinh đẹp. Với tổng diện tích 1.439 km vuông, dân số khoảng 4.8 triệu người, Saint Peterburg là thành phố lớn thứ hai của Nga, đô thị lớn thứ mười một trong khu vực và là trung tâm văn hóa lớn của Châu Âu. Trung tâm thành phố đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới với những nét ấn tượng độc đáo được tích lũy và duy trì sau hơn 200 năm là thủ đô văn hóa và chính trị tại Nga. Vào năm 1917, thủ đô của Nga được chuyển về Moscow sau cuộc cách mạng Tháng Mười, tuy vậy St.Peterburg đã để lại những dấu ấn trong trái tim người dân Nga với cái tên trìu mến là “thủ đô phương Bắc”.
9. Pháo Đài Peter & Paul – Điểm khởi đầu cho một tham vọng lớn:
Pháo đài Peter & Paul chính là công trình đầu tiên trong chuỗi kế hoạch đầy tham vọng của Peter khi cho xây dựng thành phố St.Peterburg nhằm mục đích bảo vệ và phòng thủ đồng bằng sông Neva rộng lớn. Sự hấp dẫn chính trong pháo đài là nhà thờ Thánh Peter và Paul, được khởi công bởi Peter ngay sau khi pháo đài đã được xây dựng cho đến năm 1733. Nhà thờ mang nét kiến trúc của Hà Lan, đáng chú ý nhất là mái chóp cao của nhà thờ, được thiết kế đặc biệt vào thời điểm đó, tháp chuông của nhà thờ chính là công trình cao nhất tại Nga. Nhà thờ là nơi an nghỉ của hầu hết các quốc vương Romanov (ngoại trừ Peter II, Ivan VI, và Nicholas II).
10. Quảng trường Cung điện: 
Quảng trường Cung điện được xây dựng với mục đích trở thành quảng trường chính của St.Peterburg, nơi này còn chính thức được biết đến như là tâm điểm của các cuộc đấu tranh chính trị vĩ đại đã làm biến đổi nước Nga trong những tập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX. Mở đầu cho các sự kiện này là “Bloody Sunday”, thảm họa bắt đầu cuộc cách mạng 1905. Vào buổi sáng ngày chủ nhật 09/09/1905, hàng ngàn công nhân cùng gia quyến đã đình công, cùng nhau xuống đường biểu tình nhằm gửi thông điệp phản đối chiến tranh tới Nga hoàng Nicholas II. Cuộc chạm trán giữa quân lính và dòng người biểu tình tại quảng trường đã kết thúc bằng một cuộc thảm sát. Kết cục này chính là nguyên nhân mở ra hàng loạt tranh cãi căng thẳng trong nột bộ chính phủ vào thời điểm đó.
11. Bảo tàng Hermitage - Nơi gìn giữ những giá trị khổng lồ: 
Bảo tàng Hermitage là một trong những bảo tàng đứng đầu thế giới về kích thước và chất lượng. Bên trong bảo tàng trưng bày gần 3 triệu tác phẩm nghệ thuật, người ta ước tính phải mất tới hàng năm mới có thể thưởng thức đầy đủ số tác phẩm này. Tại đây có bộ sưu tập đầy đủ nhất các tác phẩm của Ý và Pháp thời phục hưng, bên cạnh đó còn có các tác phẩm xuất sắc trong bộ sưu tập của Rembrandt, Picasso và Matisse. Không những thế, du khách sẽ có cơ hội không thể tốt hơn để tìm hiểu về các bộ sưu tập tuyệt vời với đồ cổ Hy Lạp và La Mã, tang vật của vùng Siberia và nghệ thuật Trung Á. Hermitage không chỉ quyến rũ bởi các tác phẩm nghệ thuật trưng bày, bảo tàng còn sở hữu không gian nội thất và nét kiến trúc rất riêng và độc đáo. Điển hình là bộ sưu tập cá nhân của Peter Đại Đế, ông đã sưu tầm rất nhiều những tác phẩm nổi tiếng trong các chuyến công du. Sau này, Catherine Đại đế đã mở rộng bộ sưu tập đáng kể, bà và người thừa kế của mình đã xây dựng và hoàn thiện chúng. Các bộ sưu tập trong bảo tàng Hermitage phần lớn từ các bộ sưu tập tư nhân của tầng lớp quý tộc Tây Âu và chế độ quân chủ. Khi lên ngôi vào năm 1984, Nicholas II đã được thừa kế bộ sưu tập nghệ thuật tuyệt vời nhất Châu Âu. Sau cuộc Cách mạng 1917, bảo tàng được mở cửa cho công chúng và được tiếp tục tăng cường bổ sung các công trình hiện đại bởi sự đóng góp của nhân dân. Cho tới ngày nay, bảo tàng Hermitage đã trở thành một địa điểm du lịch không thể thiếu trong hành trình khám phá đất nước Nga xinh đẹp.
12. Nhà thờ Thánh Isaac – Kì quan kiến trúc của đế chế Nga Hoàng:
Nhà thờ thánh Isaac được coi là biểu tượng thống trị tối cao tại St.Peterburg. Nhà thờ được xây bởi Alexander đệ nhất vào năm 1818 và 3 thập kỉ sau đó mới được hoàn tất. Tổng chi phí để xây dựng nhà thờ ước tính lên tới 20 triệu rúp, bằng với thu nhập cả đời của hàng trăm lao động. Kiến trúc sư August Monferrad – cha đẻ của công trình đã kết hợp với hàng chục loại đá và cẩm thạch vào cấu trúc khổng lồ này. Bên trong nhà thờ là không gian nội thất rộng lớn với các bức bích họa, tranh ghép, phù điêu và cửa sổ bằng kính mang đậm phong cách Chính thống giáo. Cấu trúc mái của nhà thờ vòm được bao phủ bởi hơn 100kg vàng khối và cao hơn 100 mét sừng sững trong không trung khiến người ta có thể nhìn thấy chóp của nó khi đứng tại vịnh Phần Lan. Thật không khoa trương khi nói nhà thờ thánh Isaac chính là một kì quan xây dựng thời bấy giờ.
13. Pushkin – Ngôi làng của các vị Hoàng đế: 
Pushkin là một trong những thị trấn tuyệt đẹp nằm cách thủ đô phương Bắc 24km về phía Nam. Cho đến tận năm 1918 thị trấn vẫn được gọi là Tsarskoye Selo (Làng của Sa hoàng), sau đó nó được đổi tên thành Detskoye Selo (làng trẻ em), và từ năm 1937 nó mang tên của đại thi hào Nga Alexander Pushkin. Trong khoảng 2 thế kỷ, Tsarskoye là nơi cư trú chính thức vào mùa hè của các hoàng đế, ngôi làng phủ lên mình phong cách kiến trúc khác lạ, vừa mang ý nghĩa là cung điện, vừa có vai trò như các công viên công cộng. Khuôn viên liên tục được làm mới bởi sự mọc lên của các dinh thự được thiết kế bởi các kỹ sư tốt nhất thời bấy giờ.
Tsarskoye Selo đặc biệt được yêu thích bởi Elizaveta Petrovna và là điểm lui tới thường xuyên của bà trong thời gian cung điện Catherine được xây dựng lại. Nhờ các kiến trúc sư tốt nhất của thời điểm đó Zemtsov, Trezini, Rastrelli và những người khác, tòa nhà khiêm tốn đã được biến thành một cung điện lộng lẫy, nguy nga. Catherine Đại Đế cũng luôn ưa thích và ưu tiên Tsarskoye Selo hơn bất kì nơi nào khác. Năm 1810 học viện nổi tiếng Lyceum được thành lập tại đây – Chính là nơi cậu bé Alexander Pushkin theo học. 
Trong thế chiến thứ hai, đây cũng là địa danh nổi tiếng liên quan tới sự biến mất bí ẩn của toàn bộ tác phẩm trưng bày trong phòng hổ phách. Các tác phẩm nghệ thuật vô giá này đã bị lấy đi bởi người Đức và biến mất khỏi lãnh thổ nước Nga mà không một ai có thể biết chúng được cất giấu hoặc rao bán ở đâu. Vào năm 1979, chính quyền đã quyết định khôi phục lại căn phòng hổ phách với những tác phẩm được làm lại dựa theo nguyên mẫu trước đây. Mất một phần tư thế kỉ sau, căn phòng mới được trưng bày đầy đủ các tác phẩm như ngày hôm nay.
14. Phòng Hổ Phách – Kì quan thứ 8 của Thế Giới: 
Phòng hổ phách trong Cung điện Catherine của thành phố Pushkin, ban đầu là một căn phòng trang trí bởi các tấm hổ phách được tô điểm với lá vàng và gương. Với vẻ đẹp đặc biệt cùng sự sa hoa, nơi này thường được mệnh danh là kì quan thứ 8 của thế giới.
Phòng hồ phách được hoàn thành từ năm 1701-1709 ở nước Phổ và nằm trong cung điện Charlottenburg tới năm 1716. Khi đó quốc vương nước Phổ là Friedrich Willhelm I đã cống nạp cho Sa hoàng thời bấy giờ là Peter Đại đế như lễ vật bày tỏ lòng thành kính. Ngay sau khi người Đức bắt đầu cuộc xâm lược Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới II, chính quyền cố gắng tháo rời và di chuyển tất cả các kho tàng nghệ thuật tại Leningrad, trong danh sách đó tất nhiên có phòng Hổ phách nổi tiếng. Sau nhiều năm trưng bày, các tác phẩm hổ phách tại đây trở nên khô cứng và giòn, do đó khi di chuyển các tác phẩm này, căn phòng hổ phách mong manh bắt đầy sụp đổ. Vì vậy, họ phải tìm một phương án khác, đó là ẩn giấu các tấm hổ phách phía sau một bức tường giả được xây chớp nhoáng nhằm tránh khỏi sự cướp bóc và phá hoại từ Đức quốc xã. Tuy nhiên nỗ lực này đã không thành công.
Sau khi cung điện bị oanh kích bởi lựu đạn, binh lính Đức tháo rời phòng hổ phách trong vòng 36 giờ. Vào ngày 14/10/1941, Rittmeister Graf Solms ra lệnh chuyển rời phòng hổ phách tới Konigsberg (sau này đổi tên thành Kaliningrad năm 1946) để lưu trữ và trưng bày tại lâu đài ở đây. Trong giai đoạn cuối chiến tranh, Konigsberg đã phải hứng chịu nhiều cuộc đánh bom bởi lực lượng không quân hoàng gia, phòng hổ phách cũng biến mất sau đó. Có rất nhiều báo cáo với các giả thiết khác nhau được đưa ra: nó bị phá hủy sau cuộc oanh tạc, được giấu trong một đường hầm bí mật ở Konigsberg, chôn trong các hầm mỏ ở dãy núi Ore hoặc đã được đưa lên tàu, tàu ngầm rồi sau đó bị đánh chìm bởi các lực lượng Liên Xô tại biển Baltic. Tuy nhiên vào năm 1997 người ta tìm thấy bức phù điêu của Ý, một trong bốn tác phẩm đã từng được trưng bày tại phòng hổ phách ở miền tây nước Đức, thuộc sở hữu của gia đình một người lính đã tham gia di dời nó trong chiến tranh.
Năm 1979, một nỗ lực tái thiết tại Tsarskoye Selo được thực hiện, chủ yếu dựa trên các bức ảnh đen trắng của phòng hổ phách gốc. Các khó khăn về tài chính được giúp đỡ với tiền quyên góp của một công ty Đức (Ruhrgas AG). Đến năm 2003 công việc tưởng như bất khả thi của các thợ thủ công Nga đã hầu như hoàn thành. Nhân dịp kỷ niệm 300 năm lịch sử thành phố Saint Petersburg, căn phòng mới được khai trương bởi tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Gerhard.
15. Pavlovsk – Vườn địa đàng giữa lòng nước Nga
Lịch sử của khu quần thể cung điện bắt đầu vào tháng 12 năm 1977 cho tới nay. Khi Catherine đại đế ban tặng một vùng đất nhỏ cho con trai bà là Paul và vợ Maria Fyodorovna nhân dịp chào đón sự ra đời của đứa cháu nội đầu lòng, sau này chính là vua Alexander I. Catherine Đại đế đã cho mời kiến trúc sư yêu thích nhất của bà là Charles Cameron để mang lại bộ mặt mới với bản thiết kế tổng thể quy hoạch lại toàn bộ khuôn viên. Và vào năm 1786, một cung điện mới đại diện cho phong cách cổ điển Nga được ra đời.
Cùng với việc xây dựng cung điện, Charles Cameron còn có tham vọng xây dựng khuôn viên thân thiện với các chi tiết tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên tuyệt đối. Lạc vào phong cảnh nơi đây, du khách có cảm giác đang thả bước dạo chơi trong vườn địa đàng, đây cũng là một trong những công viên lớn nhất châu Âu trải dài trên diện tích hơn 600 hecta.
Ngay sau cách mạng năm 1918, cung điện và công viên của Pavlovsk đã được tuyên bố là một khu bảo tàng phức hợp. Trong cùng một năm đó thành phố đã được đổi tên thành Slutzk với vinh dự được mang tên nhà cách mạng đã mất Vera Slutzkaya. Tháng 1 năm 1994, sau khi giải phóng bởi Natzist thị trấn đã được trả lại với cái tên lịch sử của nó.
Ngày nay, cung điện Pavlovsk được biết đến với các tác phẩm điêu khắc và tranh chân dung của Nga. Du khách có thể chiêm ngưỡng phòng của hoàng hậu Maria Fydorovna với nội thất nguyên bản và đồ đạc của các Nga hoàng được chế tạo dưới bàn tay tinh xảo của các nghệ nhân ưu tú nhất thời kỳ đó.
16. Cung điện mùa hè Peterhof – thủ đô của các đài phun nước: 
Nổi tiếng thế giới với cung điện, đài phun nước và các công viên, Peterhof được mệnh danh là “Thủ đô của các đài phun nước”. Nằm cách trung tâm Saint Petersburg 30km, Cung điện chính là viên ngọc sáng nhất, đẹp nhất trong chuỗi ngọc trai, hình ảnh thường được dùng để miêu tả vùng ngoại ô thành phố.
Lịch sử của Peterhof bắt đầu từ triều đại của Peter Đại đế. Hoàng đế thường xuyên đến đó để giám sát các công trình xây dựng. Trong năm 1714 Peter Đại đế hình thành ý tưởng sẽ xây dựng một cung điện xa hoa phục vụ hoàng gia trong mùa hè mà sự lộng lẫy của nó vượt qua cả cung điện Versail tại Pháp.
Sức hấp dẫn của chính Peterhof chính là các đài phun nước, có rất nhiều đài phun nước xuất hiện muôn hình muôn vẻ trong các thiết kế độc đáo khác nhau. Đài phun nước quý giá nhất trong số đó là Great Casade được thiết kế bởi chính Peter Đại đế. Việc xây dựng một quần thể đài phun nước khổng lồ như vậy chưa hề có tiền lệ trên thế giới. Đài phun nước Samson với hình tượng một con sư tử lớn chính là biểu tượng để vinh danh chiến thắng của Nga với Thụy Điển năm 1709.
Các công viên tuyệt vời, vô số đài phun nước với các phong cách khác nhau, thác nước, cung điện hung vĩ, các bức tượng mạ vàng của các vị thần và những anh hùng dân tộc thời xa xưa chính là biểu tượng vinh danh, thị uy sức mạnh của Nga trên biển Baltic. Khi đặt chân tới đây, du khách sẽ thấy ngưỡng mộ vẻ đẹp độc đáo, đại diện cho sự hài hòa của nghệ thuật và thiên nhiên của Peterhof.
17. Kênh đào St. Petersburg: 
Tất cả những thành phố lớn nhất thuộc châu Âu ở Nga đều hình thành trên nền tảng sự kết hợp mật thiết với các con sông nổi tiếng. Đối với hầu hết du khách đến Nga, sông ngòi ở đây chỉ được nhận thấy trong khi băng qua một cây cầu hay tản bộ dọc theo một bờ kè, đóng vai trò làm phông nền thú vị để làm nổi bật các địa điểm thăm quan.
St. Petersburg được xây dựng trên vùng châu thổ sông Neva bởi Peter Đại đế để cạnh tranh với Venice và được trải dài trên nhiều đảo nhỏ có kích thước khác nhau. St. Petersburg còn có biệt danh là “Thành phố của 101 hòn đảo”. Trải qua nhiều thế kỷ hình thành và phát triển, những cây cầu được xây dựng để kết nối các đảo trên các nhánh các nhau của sông Neva và kênh rạch của thành phố (Moika, Fontanka, Kanal, Griboyedova, v.v…). Trong những tháng mùa hè khi dòng sông không bị đóng băng là khoảng thời gian những cây cầu bắc qua sông Neva chính hoạt động nhịp nhàng mỗi đêm, những chiếc cầu mở và cầu xoay cho phép tàu bè vượt sông cũng chính là điểm nhấn góp phần biến St. Petersburg là thành phố đẹp nhất cả nước.
Thăm quan thành phố bằng thuyền qua hệ thống kênh đào là đường nhanh nhất và dễ chịu nhất khi khám phá các điểm du lịch của St. Petersburg. Quý khách sẽ bị chinh phục và cuốn hút toàn diện bởi bức tranh toàn cảnh kiến trúc cổ, vườn hoa, khu phức hợp bảo tàng của Hermitage, Cung điện Mùa hè của Peter Đại đế, nhà thờ Thánh Isaac và Giáo Hội của Chúa Kito Phục sinh của chúa Giêsu.
 
Sưu tầm