NHÌN LẠI HÀNH TRÌNH HƠN 80 NĂM LỊCH SỬ CỦA CẦU CỔNG VÀNG - BIỂU TƯỢNG NƯỚC MỸ
Không phải cây cầu dài nhất và cũng chẳng phải cây cầu cao nhất nhưng cầu Cổng Vàng là sự pha trộn hoàn hảo giữa kỹ thuật và nghệ thuật, biến nó trở thành một trong những biểu tượng nổi danh của nước Mỹ.
Cầu Cổng Vàng (tiếng Anh: Golden Gate Bridge) hoặc Kim Môn kiều là một cây cầu treo bắc qua Cổng Vàng, eo biển rộng một dặm (1,6 km) nối liền vịnh San Francisco và Thái Bình Dương. Cầu này nối thành phố San Francisco, California của Mỹ - mũi phía bắc của Bán đảo San Francisco - đến Quận Marin, bao gồm cả Quốc lộ Hoa Kỳ 101 và Quốc lộ 1 California qua eo biển. Cây cầu là một trong những biểu tượng được quốc tế công nhận nhất của San Francisco, California và Hoa Kỳ. Cầu đã được Hiệp hội kỹ sư dân dụng Hoa Kỳ (American Society of Civil Engineers) tuyên bố là một trong những kỳ quan thế giới hiện đại. Khi được hoàn thành vào năm 1937, Golden Gate Bridge là cây cầu treo dài nhất trên thế giới, và đã trở thành một biểu tượng quốc tế của San Francisco, California, Hoa Kỳ, với nhịp chính dài 4.200 feet (1.280 m) và tổng chiều cao 746 feet (227 m). Kể từ khi hoàn thành đến nay đã có tám chiếc cầu khác có chiều dài vượt qua Cầu Cổng Vàng. Tuy thế, đây vẫn là cây cầu treo dài thứ hai ở Hoa Kỳ, sau cầu Verrazano-Narrows ở New York.
Cầu Cổng Vàng và những trở ngại trong buổi đầu xây dựng:
Vào những năm 1930, cửa vịnh San Francisco đổ ra Thái Bình Dương rộng tới 1600 mét và sâu tới 90 mét. Hơn thế nữa, nó lại nằm cách tâm chấn của trận động đất mạnh tàn phá San Francisco năm 1906 và làm chết 3.000 người. Đó là chưa kể tốc độ gió ở đây lên đến 100 km/h, dòng chảy thủy triều 7,5 hải lý trên giờ và sương mù bao phủ nhiều ngày trong năm. Theo ước tính của Hội Kỹ sư thành phố San Francisco, công trình xây dựng cây cầu này phải tiêu tốn tới 100 triệu USD, một con số khổng lồ vào thời kỳ đó. Vấn đề đặt ra cho các kỹ sư cầu đường là phải xây dựng cầu với chi phí thấp hơn nhiều. Một người đã bạo gan nhận làm việc này. Đó là Joseph Strauss, một kỹ sư đầy đam mê khát vọng và trước đó từng xây dựng 400 cây cầu trên khắp nước Mỹ.
Joseph Strauss phải mất hơn 10 năm để vận động cộng đồng Bắc California. Việc xây dựng cầu Golden Gate Bridge vấp phải nhiều sự phản đối, thậm chí cả kiện tụng. Cục Chiến tranh lo ngại rằng cây cầu sẽ cản trở giao thông đường thủy; Hải quân Mỹ lo sợ một vụ đụng tàu hoặc cầu bị phá hủy có thể chặn lối vào một trong những căn cứ quan trọng. Tập đoàn Đường sắt Nam Thái Bình Dương, một trong những đơn vị kinh doanh phát đạt nhất ở California, đã đâm đơn kiện vì cho rằng Golden Gate Bridge thủ tiêu dịch vụ phà của họ. Cuối cùng, Joseph Strauss không chỉ "thuần hóa" được giới kinh doanh vận chuyển hành khách bằng phà, mà còn kêu gọi được các nhà đầu tư. Năm 1932, giữa cơn Đại suy thoái, ông chủ sáng lập San Francisco Bank đã đảm nhận phần lớn số tiền đầu tư 35 triệu USD cho dự án Golden Gate Bridge.
Thay đổi thiết kế ban đầu:
Chính quyền địa phương chấp nhận ý tưởng của Joseph Strauss, với điều kiện ông phải thay đổi thiết kế ban đầu. Một bản thiết kế cầu treo được xem là khả thi nhất vì nó phù hợp với những tiến bộ trong ngành luyện kim thời bấy giờ và đòi hỏi của Hải quân Mỹ. Thiết kế ban đầu của Joseph Strauss mang đậm phong cách làm cầu của thế kỷ 19. Thiết kế cầu treo nhận được sự hỗ trợ của một nhóm các nhà thiết kế cầu, kiến trúc sư và các nhà khoa học do Giáo sư Charles Alton Ellis lãnh đạo. Do Kỹ sư trưởng Joseph Strauss thiếu kinh nghiệm thiết kế cầu treo, nên phần lớn các nhiệm vụ liên quan đến thiết kế là do các chuyên gia khác đảm nhiệm. Trọng lượng thân cầu sẽ được phân bổ cho hai khối dây cáp xuyên qua hai tháp chính và cố định ở phần bê tông ở hai đầu. Mỗi khối dây cáp có 27.572 sợi cáp, với tổng chiều dài 129.000 km, gấp hơn ba lần chu vi Trái Đất. Kiến trúc sư Irving Morrow đảm trách thiết kế hình dáng tổng thể của tháp cầu, kết cấu chiếu sáng và các loại trang trí nghệ thuật như đèn đường, lan can. Ông đã thay màu xám bạc chuẩn mực bằng màu da cam quốc tế nổi tiếng để sơn phủ cây cầu.
Cầu Cổng Vàng và Quá trình xây cầu đầy gian nan nguy hiểm:
Cột trụ phía Nam được xây dựng dưới đáy biển sâu 33 mét. Giàn giáo xây dựng cột trụ này đã bị đổ hai lần: một lần do bị tàu vận tải đâm vào trong sương mù và một lần bị bão đánh sập. Ngoài ra, do nước thủy triều chảy xiết trong eo biển, công việc dưới nước có thể chỉ trong thời gian thủy triều xuống thấp: bốn lần một ngày và mỗi lần chỉ kéo dài có... 20 phút. Để xây dựng móng cầu chịu được động đất và giông bão trên đáy biển đầy bùn, Joseph Strauss đã cho chế tạo một buồng thép không đáy khổng lồ và hạ xuống đáy biển. Để ngăn không cho nước vào, buồng thép phải có áp suất cao hơn áp suất của nước ở độ sâu 33 m, khiến cho những người làm móng trụ cầu phải làm việc trong điều kiện vô cùng nguy hiểm, bị khó thở, chảy máu mũi, bị ngất và thậm chí bị liệt.
Cuối cùng, những người thợ cầu dũng cảm đã xây dựng xong hai móng khổng lồ vững chắc cho hai cột trụ chính của cầu treo cao 227 m, trước lễ Giáng sinh năm 1934. Công đoạn khó khăn nhất đã vượt qua, những phần việc tiếp theo trở nên dễ đàng hơn nhiều nhưng cũng không kém phần gian nan nguy hiểm. Thông qua việc sử dụng lưới an toàn di động đặt bên dưới công trường xây dựng, Kỹ sư trưởng Joseph Strauss đã tránh được nhiều tai nạn thương tâm. Sau hơn 4 năm lao động vô cùng gian nan vất vả, một cây cầu treo màu da cam dài 2,7 km sừng sững mọc lên, với dáng vẻ vô cùng duyên dáng thanh thoát mặc dù mang trên mình cả triệu tấn thép. Đây là cây cầu treo dài nhất trên thế giới tính đến năm 1937, là biểu tượng của thành phố San Francisco và cũng là niềm tự hào của cả nước Mỹ.
Lễ khánh thành hoành tráng:
Lễ khánh thành bắt đầu từ ngày 27/5/1937 và kéo dài một tuần. Vào ngày khánh thành, toàn bộ học sinh ở xung quanh San Francisco được nghỉ học, các công sở và văn phòng ở khu vực này đồng loạt đóng cửa. Đúng 6 giờ sáng, tiếng còi thông cầu Golden Gate Bridge vang lên và 200.000 người đã lần đầu tiên chạy, nhảy múa, đi đạp xe qua cầu. Hàng trăm máy bay xếp thành đội ngũ bay trên cây cầu, trong khi một hạm đội Mỹ bao gồm một số tàu sân bay tiến vào trong vịnh. Một cuộc diễu hành và bắn pháo hoa được tổ chức long trọng vào ngày khai trương Cầu Cổng Vàng.
Chính phủ Mỹ quyết định xây dựng cây cầu nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của 50.000 người/ngày. Trước khi có cây cầu, người ta phải sử dụng phà để đi từ quận Marin vào San Francisco.
Thời điểm đó, dư luận Mỹ cảm thấy sửng sốt khi nhìn thấy bản vẽ thiết kế của cây cầu.
Vào ngày 9/1/1933, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt nhấn nút kích hoạt khối thuốc nổ đầu tiên, đánh dấu mốc cho quá trình xây dựng cây cầu lịch sử trên vịnh San Francisco.
Các đội công nhân phải di dời khối lượng khổng lồ đất đá nhằm xây dựng hai cột trụ chính cao tương đương các tòa nhà 12 tầng. Chân móng cầu được khoan sâu xuống lòng vịnh nhằm đảm bảo nó đứng vững trước những thiên tai nguy hiểm nhất.
Vào thời điểm bấy giờ, cầu Cổng Vàng là cầu dây văng dài nhất từng được xây dựng. Người ta dùng hết 1,2 triệu đinh tán, 120.000 km dây cáp (được bện lại để chịu lực lớn).
Quá trình xây cầu cũng tuân thủ những quy trình an toàn nghiêm ngặt nhất. Tuy nhiên, vẫn có 11 công nhân thiệt mạng sau 4 năm xây dựng, trong đó có 10 người tử vong một ngày khi một phần giàn giáo rơi xuống và làm đứt lưới an toàn.
Máy bay diễu qua cầu cổng vàng trong lễ khai trương ngày 27/5/1937.
Hàng trăm ngàn người dự lễ khánh thành Golden Gate Bridge ngày 27/5/1937.
Ngày nay, có khoảng 40 triệu lượt phương tiện đi qua cầu Cổng Vàng mỗi năm. Phí đi lại là 7,25 USD/lượt.
Sau hơn 80 năm, cầu Cổng Vàng vẫn đứng vững như thách thức thời gian. Kevin Starr, nhà sử học quá cố người California từng mô tả cầu Cổng Vàng là “biểu tượng toàn cầu, một kỳ quan về kỹ thuật và một tác phẩm nghệ thuật”.
Tổng hợp
Tin khác
- 6 ĐIỀU THÚ VỊ VỀ ĐẠI LỘ DANH VỌNG HOLLYWOOD
- PHIM TRƯỜNG UNIVERSAL CÓ GÌ HẤP DẪN?
- THAM QUAN NHÀ TRẮNG - NƠI CÓ HỆ THỐNG AN NINH TỐT NHẤT THẾ GIỚI
- LÝ DO KHIẾN MỸ TRỞ THÀNH GIẤC MƠ CỦA NHIỀU NGƯỜI
- KHÔNG NÊN BỎ QUA GRAND CANYON KHI DU LỊCH MỸ
- 12 BÍ MẬT CỦA TƯỢNG NỮ THẦN TỰ DO NỔI TIẾNG CỦA MỸ
- Ý NGHĨA NGỌN ĐUỐC TRÊN TAY PHẢI CỦA BỨC TƯỢNG NỮ THẦN TỰ DO Ở MỸ
- SỐ PHẬN BI HÙNG CỦA NGƯỜI THỢ CẦU VĨ ĐẠI JOSEPH STRAUSS