Lịch khởi hành
chuyên tour Nga
CHUYÊN TOUR  ĐẢO
CHUYÊN TOUR ĐẢO
CHUYÊN TOUR ĐẢO
CHUYÊN CUNG CẤP VOUCHER DU THUYỀN ĐẲNG CẤP 5*
CHUYÊN CUNG CẤP VOUCHER DU THUYỀN ĐẲNG CẤP 5*
CHUYÊN CUNG CẤP VOUCHER DU THUYỀN ĐẲNG CẤP 5*
Thứ 6, Ngày 08 tháng 05 năm 2020, 14:49

THÁM HIỂM SƠN ĐÒONG LỌT TOP 9 CUỘC PHIÊU LƯU VĨ ĐẠI THẾ GIỚI

Hang Sơn Đoòng nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình – là một hang động mới được Hiệp hội nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh khám phá. Hang Sơn Đoòng được công bố là hang động lớn nhất thế giới trong năm 2009 – 2010 và được đưa vào khai thác theo hình thức du lịch khám phá mạo hiểm từ năm 2013. Hoạt động du lịch hang Sơn Đoòng được khai thác hạn chế số lượng người tham gia, số lượng người chinh phục Sơn Đoòng hiện tại thậm chí còn ít hơn rất nhiều so với số lượng người đã từng đứng trên đỉnh Everest.
Kênh truyền hình Dave (Anh) bình chọn thám hiểm Sơn Đòong đứng thứ 5 trong danh sách những cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất thế giới: 
1. Kilimanjaro ( Tanzania): 
Kilimanjaro nằm ở đông bắc Tanzania, gần biên giới Kenya với độ cao 5.895 m. Có vô vàn lý do khiến 40.000 người leo núi đến đỉnh Kilimanjaro ở Tanzania mỗi năm. Chinh phục ngọn núi đơn lẻ cao nhất thế giới, đứng trên đỉnh châu Phi với cả lục địa dưới chân mình là một kỳ tích rất nhiều người mơ ước. Du khách đến đây còn có dịp thưởng lãm những dòng sông băng trên đường xích đạo của trái đất. Những dòng sông băng này được dự đoán sẽ biến mất từ năm 2015-2020.
So với năm 1980, Kilimanjaro đã mất 33% lượng tuyết. So với năm 1912, đỉnh núi này đã mất tổng cộng 82% lượng tuyết. Tuy nhiên, các chuyên gia về sông băng cho rằng, loại băng giá có tuổi đời 11.700 năm này không thể biến mất trong vòng 5 năm, thậm chí cả 15 năm tới. Mặc dù vậy, các dòng sông băng vẫn đang bị co lại. Theo ước tính mới nhất, chúng sẽ biến mất trước năm 2040.
Kilimanjaro từng là biểu tượng hùng vĩ, khắc nghiệt và vô cùng lãng mạn trong truyện ngắn nổi tiếng Snows of Kilimanjaro (Tuyết phủ đỉnh Kilimanjaro) của đại văn hào Mỹ Ernest Hemingway: “Rộng lớn như cả thế giới, hùng vĩ, cao ngút và trắng tới không thể tin nổi dưới ánh mặt trời…”.
Những sông băng ở Kilimanjaro thu hẹp dần do biến đổi khí hậu xuất hiện từ nửa đầu thế kỷ 19, mưa rơi ít dần trên đỉnh Kili. “Ánh mặt trời mạnh hơn, gió ít hơn khiến băng tan ở nhiệt độ không khí -10 độ C hoặc thấp hơn”, George Kaser, chuyên gia sông băng ở trường đại học Innsbruck, Áo cho biết.
Điều gì có thể giữ lại các dòng sông băng? Đáng tiếc con người không thể làm gì được. Chỉ những trận mưa tuyết thật lớn mới có thể lấp đầy sông băng trở lại, nhưng lần cuối cùng có mưa tuyết như vậy là ở nửa đầu thế kỷ 19.
Cảnh tượng lạnh lẽo ở Kilimanjaro giờ đây là lý do chính để chinh phục ngọn núi. Ở tuyến đường Macheme, một trong 7 tuyến đường lên đỉnh Kili nổi tiếng với nhiều tầng khí hậu, từ khu rừng nhiệt đới tươi tốt ở chân núi đến vùng đất hoang thưa thớt ở giữa và hoang mạc trên cao.
Khi lên tới đỉnh Kili, đừng quên chiêm ngưỡng những dòng sông băng nhấp nhô như những con sóng quanh "hòn đảo" giữa bầu trời. Bởi vì, cảnh tượng kỳ vĩ này sẽ không còn tồn tại bao lâu nữa.
2. Đường mòn Inca - Machu Picchu ( Peru)
Đường mòn Inca sẽ dẫn du khách qua những hẻm núi cheo leo, thảo nguyên bao la và các di tích khảo cổ còn sót lại của nền văn minh từ rất xa xưa.  Người Inca (một tộc người da đỏ tại miền Nam châu Mỹ) đã xây dựng mạng lưới đường mòn trải dài trên khắp các góc xa xôi của đế chế Inca, từ Quito, Ecuador tới Santiago, Chile và phía đông đến Medoza, Argentina. Cusco là thủ phủ lịch sử của đế chế vĩ đại này. Hầu hết các đường mòn chính đều nằm trên những ngọn núi xung quanh Cusco. Đường mòn Inca tới Machu Picchu gồm 3 cung đường.
Tuy nhiên, cung đường khảo cổ quan trọng và đẹp nhất chỉ dài 43 km đi qua Runcuracay, Sayacmarca, Phuyupatamarca, Winay Wayna và Machu Picchu. Đây chính là đoạn đường mòn Inca nổi tiếng mà bất cứ dân phượt nào cũng đều mơ ước. Cung đường có độ khó trung bình, bất kỳ du khách nào cũng có thể thực hiện hành trình này. Tuy nhiên, cần lưu ý tới khả năng thích nghi với sự thay đổi thời tiết, bởi bạn sẽ trải qua những vùng khí hậu khác nhau khi đi từ chân núi tới độ cao 4.200 m. 
Xuất phát từ nền đồng bằng ngang với mực nước biển, thông thường bạn mất ít nhất 2 ngày ở Cusco làm quen với khí hậu trước khi bắt đầu chuyến đi, tham quan trong thành phố và những tàn tích mà người Inca để lại tại các khu vực quanh đó như Sacsayhuaman, Q'enko, Pucapucara và Tambomachay. Ngoài ra, cũng nên dành thêm một ngày khám phá thung lũng Sacred với khu chợ thị trấn Pisac truyền thống và những pháo đài "quyến rũ" ở Ollantaytambo.  
Được đưa vào khai thác du lịch hơn 30 năm trở lại đây, cung đường Inca ngày càng thu hút nhiều khách du lịch. Để đảm bảo cho việc bảo tồn di chỉ khảo cổ, chính quyền địa phương đã hạn chế lượng khách bằng việc cấp giấy phép tham quan. Tất cả hướng dẫn viên du lịch, các công ty lữ hành đều phải được cấp phép và số lượng giấy "thông hành" trong ngày giới hạn ở con số 500. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 150 giấy phép dành cho du khách, còn lại là hướng dẫn viên, người vận chuyển, đầu bếp... 
3. Grand Canyon (Mỹ): 
Đúng như cái tên của mình, Grand Canyon dài tới 446 km, rộng từ 0,4 đến 24 km, và sâu 1600 m, với những con đường dài hàng chục dặm men theo bờ vực, nhiều khách sạn sinh thái ẩn mình trong rừng thông, nhà hàng, khu cắm trại, sân bay và hệ thống xe bus phục vụ miễn phí… Bất kì du khách nào khi đặt chân tới đây đều hoàn toàn bị chinh phục và choáng ngợp. Grand Canyon lừng danh - "bản anh hùng ca" của Mẹ Thiên nhiên dành tặng cho "đất nước cờ sao" đã trở thành biểu tượng bất hủ của Arizona, đến mức người ta dùng luôn tên của nó để gọi tiểu bang này: tiểu bang Grand Canyon.
Niên đại của The Grand Canyon có từ 2 tỷ năm, trong suốt 6 triệu năm ròng rã, dòng sông Colorado – con sông mẹ của miền đất Tây Nam Hoa Kỳ đã miệt mài bào mòn các lớp địa tầng và để lại cho con người một hùng quan mà bây giờ đã trở thành một trong 7 kì quan thiên nhiên thế giới; với những hẻm núi vĩ đại, với bờ dốc dựng đứng, những con suối thoắt ẩn thoắt hiện, những con thác ào ào chảy ra từ lưng chừng hẻm núi, những rừng thông cheo leo, những đỉnh núi đá đỏ san sát với muôn ngàn hình thù kỳ vĩ biến đổi màu sắc liên tục tùy thuộc vào hiệu ứng của ánh sáng mặt trời…
 
4. Núi lửa Thrihnukagigur (Iceland)
Đây là ngọn núi lửa duy nhất trên thế giới cho phép du khách đi vào “buồng magma” (một vùng khối đá magma lỏng bên dưới bề mặt Trái Đất tích tụ điều kiện cho núi lửa hoạt động) và trải nghiệm hành trình đầy khắc nghiệt nhưng lý thú khi hướng đến trung tâm Trái Đất. Tuy nhiên, tour thám hiểm này luôn giới hạn rất ít người với điều kiện kiểm tra sức khoẻ nghiêm ngặt nhất thế giới.
5. Sơn Đòong (Việt Nam)
Hang Sơn Đoòng ở đâu? Sơn Đoòng thuộc vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có hệ thống núi đá vôi cổ nhất Châu Á, hình thành cách đây 400 đến 450 triệu năm. Việc phân tích các mẫu trầm tích hóa thạch xác định hang Sơn Đoòng hình thành tương đối trẻ – có niên đại cách đây 3 triệu năm tuổi.
Sơn Đoòng hình thành trên một đoạn đứt gãy của dãy Trường Sơn và bị dòng nước sông Rào Thương ăn mòn qua hàng triệu năm đã tạo thành đường hầm khổng lồ bên dưới lớp núi đá vôi. Những vết nứt trên trần hang bị ăn mòn và sụt lún, tạo thành những hố sụt lớn thông ra bên ngoài. Những giọt nước rơi xuống từ trên trần hang hàng triệu năm tạo nên những viên ngọc trai hang động có kích thước lớn bằng quả bóng chày. Bên trong không gian kỳ vĩ ấy là cả một thế giới tách biệt, cả một kỳ quan thiên nhiên hiếm có khiến cho các nhà chinh phục Sơn Đoòng phải sửng sốt.
6. Aurora Borealis (Nauy) 
Quan niệm về cực quang khác nhau tuỳ theo các bộ tộc. Người Vikings nghĩ rằng cực quang là sự phản chiếu chiếc áo giáp của Nữ thần chiến tranh Valkyries trong thần thoại Bắc Âu. Còn người Eskimos ở Greenland thì lại cho rằng cực quang có liên quan tới cái chết. Theo người Indians ở Bắc Mỹ, cực quang là ánh sáng từ các đám lửa trại ở phía xa về phương Bắc. Vào thời Trung cổ, cực quang báo hiệu điềm xấu về chiến tranh hoặc dịch bệnh, ví dụ như bệnh dịch hạch. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học, chúng ta biết rằng cực quang là hiện tượng ánh sáng xảy ra do các phân tử năng lượng cao từ các cơn gió Mặt trời tương tác với từ trường Trái Đất. Dù sao thì, những kiến thức khoa học khô khan không làm cho người ta hết trầm trồ vì vẻ đẹp của nó.
Vì cực quang được sinh ra do tương tác của các cơn gió Mặt trời với từ trường Trái Đất, nên bạn có thể quan sát cực quang dễ dàng ở các vùng gần hai cực, cả cực Bắc và cực Nam của Trái Đất. Ở phía Bắc, người ta gọi cực quang là Aurora Borealis, tức là Ánh sáng phương Bắc. Aurora là tên của nữ thần Rạng đông, còn “boreal” có nghĩa là “phía Bắc” trong tiếng Latin. Ở bán cầu Nam, cực quang được gọi là Aurora australis (theo tiếng Latin có nghĩa là “phía nam”).
7. Vịnh hẹp Bắc Cực (Greenland):
Greenland là điểm đến thứ 3 trong danh sách này mang đến trải nghiệm trên mặt nước cho người chinh phục, nhưng lại đặc biệt nhất vì phải chèo thuyền kayak giữa những tảng băng trôi. Trong chuyến thám hiểm, du khách sẽ băng qua và dừng chân ở một số khu vực hoang sơ nhất trên Trái đất, nơi có những vịnh tuy hẹp nhưng kỳ vĩ, nổi bật với các tảng băng trôi, ngọn núi tuyết, động vật hoang dã và bầu trời cực quang.
8. Trại căn cứ phía Everest (Nepal):
Nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm tại trại căn cứ Everest (Everest Base Camp) rất cao, từ 45 - 500C. Ban ngày trời nắng chói chang, nhưng gió thổi rét đến run người. Ban đêm nhiệt độ xuống thấp khoảng -250C, lúc nào cũng nghe tiếng gầm gừ của những cơn gió mạnh từ thác băng Khumbu, tiếng ầm ầm vang rền như sấm của những trận lở tuyết. Đó là vùng đất khắc nghiệt dành cho những người dũng cảm nhất thế giới…
Nhìn từ xa, trại căn cứ Everest là khoảng đất rộng, gồ ghề với những tảng đá lồi lõm, ngang dọc. Bao quanh là những ngọn núi cao chót vót quanh năm phủ một màu trắng xóa của băng tuyết. Dù rất mệt sau chặng đường tám ngày đi bộ qua hơn 60km đường núi cheo leo, nhưng tôi hồ hởi cố chạy thật nhanh lên tảng đá cao phía trước để nhìn thật rõ nơi mình sẽ sống trong 40 ngày tới thì... oạch, tôi ngã trượt dài, đau điếng. Lồm cồm bò dậy, tôi thấy dưới chân mình không phải là đá mà là những khối băng vĩnh cửu đã có từ hàng triệu năm qua.
9. Nam cực:
Nam Cực - một trong những nơi có thời tiết khắc nghiệt nhất Trái đất. Vào mùa hè, mặt trời lúc nào cũng sáng, những hôm nắng ấm, nhiệt độ tại đây có thể từ 5 độ C đến 10 độ C. Vào mùa đông, cả Nam Cực không có ban ngày, trời lúc nào cũng tối, nhiệt độ kỷ lục vào mùa đông có thể xuống dưới - 80 độ C. Quý khách sẽ bị choáng ngợp bởi vẻ hùng vỹ của những núi băng lớn màu trắng xóa khi đến với Nam Cực.
 
Sưu tầm